Khoa Quốc tế Pháp ngữ

http://www.ifi.edu.vn


Hợp tác giữa ĐHQGHN với ĐH Maryland (Hoa Kỳ) trong lĩnh vực giám sát hiện trường

Dấu mốc quan trọng Liên tục từ 2011 đến nay, lãnh đạo cấp cao và đội ngũ các nhà khoa học của ĐHQGHN và ĐH Maryland tiếp tục bàn thảo và tìm hướng hợp tác có lợi cho cả 2...

Dấu mốc quan trọng

Liên tục từ 2011 đến nay, lãnh đạo cấp cao và đội ngũ các nhà khoa học của ĐHQGHN và ĐH Maryland tiếp tục bàn thảo và tìm hướng hợp tác có lợi cho cả 2 bên và phát huy được thế mạnh của mỗi bên.

Cuối tháng 6/2014, hội thảo quốc tế về công nghệ tích hợp liên ngành và ứng dụng trong quản lý chất lượng không khí vùng Châu Á đã được Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN đã phối hợp cùng với ĐH Maryland và Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia (Nhật Bản) phối hợp tổ chức.

Hội thảo đã tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu, chuyên gia xây dựng mạng lưới nghiên cứu toàn cầu và cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác đa phương. Các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế thống nhất hướng nghiên cứu công nghệ tích hợp phục vụ giám sát tài nguyên môi trường sẽ là nội dung chính trong các hoạt động hợp tác giữa các bên.

Ngay sau đó, các nhà khoa học của ĐH Maryland đã cùng các nhà nghiên cứu của ĐHQGHN thực hiện 2 chuyến đi khảo sát thực tế Việt Nam. Chuyến đi Tuyên Quang với mục đích khảo sát hiện trạng sử dụng đất và thay đổi lớp phủ rừng của vùng Đông Bắc Việt Nam. Chuyến khảo sát tiếp theo ở Đà Nẵng để khảo sát khu cháy rừng tại Vườn Quốc gia Bà Nà – Núi Chúa, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Tiếp theo là khảo sát việc biến đổi sử dụng đất của vùng đô thị ven biển Việt Nam. Qua 2 chuyển khảo sát này, các nhà khoa học của 2 bên đã cùng nhau thảo luận và đề xuất khung hợp tác chung giữa hai bên trong lĩnh vực giám sát hiện trường với lãnh đạo của 2 đại học.

 

Hoạt động hợp tác nổi bật

Tính đến tháng 7/2014, những nghiên cứu của ĐH Maryland trong lĩnh vực giám sát hiện trường đều là những nghiên cứu trên pham vi toàn cầu. ĐH Maryland mong muốn hợp tác với ĐHQGHN để thực hiện những nghiên cứu về Giám sát hiện trường (GSHT) trên phạm vi Việt Nam với những đặc tính của riêng của Việt Nam về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên, tài nguyên, đa dạng sinh học,…

Với sự tư vấn của các nhà khoa học của ĐH Maryland và ĐHQGHN, lãnh đạo ĐHQGHN đã đề xuất với Bộ KHCN về việc trang bị cơ sở hạ tầng cho các nghiên cứu về giám sát hiện trường tại trường ĐHCN. Đề xuất đã được Bộ KHCN phê chuẩn và đang được triển khai và sẽ hoàn thành trong Quý III năm 2014.

GS. Christopher Justice, Khoa Khoa học Địa lý, ĐH Maryland – người đã tham gia triển khai nhiều đề tài, dự án trong lĩnh vực giám sát hiện trường với các đối tác hàng đầu thế giới như NASA, Google, đã bày tỏ sự sẵn sàng tham gia các dự án thuộc lĩnh vực này do ĐHQGHN thực hiện.

Trước đó, quan hệ song phương giữa ĐHQGHN và ĐH Maryland đặc biệt được chú trọng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. ĐH Maryland và NASA chuyển giao phần mềm FIRMS quản lý thông tin cháy rừng toàn cầu cho Trường ĐHCN – một trường đại học thành viên của ĐHQGHN. Ông Shriram, chuyên gia của NASA đã trực tiếp sang Trường ĐHCN cài đặt, hướng dẫn sử dụng, tổ chức hội thảo giới thiệu phần mềm FIRMS trong lĩnh vực quản lý tài nguyên rừng với các nhà khoa học Việt Nam.

Năm 2012 và 2013, Trường ĐHCN gửi cán bộ sang ĐH Maryland để trao đổi và tiếp nhận công nghệ giám sát hiện trường trong bài toán ô nhiễm không khí và quản lý cháy rừng. Kết quả của việc này là 1 bài báo quốc tế mà 2 bên cùng nghiên cứu về ô nhiễm không khí và cháy rừng trên lãnh thổ Việt Nam.

Hội thảo khoa học "Chất lượng không khí vùng châu Á" được phối tổ chức bởi ĐHQGHN và ĐH Maryland

Hợp tác bền vững

Trong khuôn khổ chuyến công tác Hoa Kì của Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ, từ ngày 4 – 14/7/2014, sẽ diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa ĐH Maryland và ĐHQGHN, ghi nhận quá trình hợp tác song phương của 2 đại học trong suốt 3  năm qua. Văn bản kí kết đồng thời khẳng định chiến lược hợp tác giữa 2 bên và mở ra cơ hội cho các nhà nghiên cứu của 2 bên.

 

Khung hợp tác dự kiến bao gồm các hoạt động nghiên cứu như sau: Xây dựng hạ tầng thông tin không gian với dữ liệu đa nguồn; Phát triển các công cụ giám sát hiện trường; Hợp tác phát triển nguồn nhân lực; Phát triển khoa học liên ngành và ứng dụng; Tổ chức các nhóm nghiên cứu liên ngành: Công nghệ Thông tin, Vật lý, Viễn thám, Khoa học Xã hội và Nhân văn và các đề xuất nghiên cứu chung của 2 bên.

 

Đại học Maryland tại College Park là một đại học công lập tại thành phố College Park, Maryland, ngoại vi Washington D.C., Hoa Kỳ. Được thành lập năm 1856, Đại học Maryland được xem là một trong những "đại học công lập nổi tiếng" của Mỹ. Đại học Maryland tại College Park cấp 127 bằng đại học và 112 bằng sau đại học từ 12 trường khác nhau thuộc hệ thống của Đại học.

Mới đây, Đại học Maryland được xếp hạng 54 trên tạp chí U.S. News and World Report, và hạng 18 trong số những đại học công lập với 31 chương trình giảng dạy được xếp vào Top 10 (bao gồm đại học và sau đại học) và 91 chương trình được xếp vào Top 25.

Đại học Maryland đứng hạng 37 trên thế giới và hạng 11 trong số những trường công lập của Mỹ theo Bảng xếp hạng các đại học thế giới của Đại học Giao Thông Thượng Hải.