Khoa Quốc tế Pháp ngữ

http://www.ifi.edu.vn


Môi trường trước tác động của truyền thông số

Môi trường trước tác động của truyền thông số
Theo GS. Dominique Carré, Giám đốc Trường Khoa học truyền thông, Đại học Paris 13, truyền thông số hiện nay tác động tiêu cực đến môi trường thông qua việc sử dụng tài nguyên internet.
GS. Dominique Carré, Giám đốc trường Khoa học truyền thông, Đại học Paris 13
GS. Dominique Carré, Giám đốc trường Khoa học truyền thông, Đại học Paris 13

Trong khuôn khổ hội thảo “Truyền thông mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số” do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) tổ chức diễn ra sáng nay tại Hà Nội, GS. Dominique Carré đề cập đến một vấn đề thường bị bỏ qua đó là tác động tiêu cực của truyền thông số và tính siêu kết nối đối với môi trường.

Hiện nay, công nghệ truyền thông trong thời kỳ số được cộng đồng cho rằng là truyền thông “sạch”, không gây ô nhiễm môi trường, do tất cả đều diễn ra trong môi trường số. Tuy nhiên, GS Dominique Carré cho rằng nhận định này không hoàn toàn là đúng.

Lấy ví dụ về quy trình chuyển một bức thư điện tử (email), GS Dominique chỉ ra quá trình chuyển một email sẽ phải trải qua rất nhiều trạm xử lý thông tin, qua các router, server và với khoảng cách càng xa thì lượng khí thải ra môi trường từ các thiết bị trung gian sẽ càng lớn. Đặc biệt các thiết bị làm mát các máy chủ, các server tiêu tốn rất nhiều điện năng.

Nguồn điện năng hiện nay chủ yếu là từ nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, như vậy với nguồn điện năng sử dụng càng nhiều thì đồng nghĩa với lượng khí thải từ các nhà máy đốt than cũng tăng lên, dẫn đến tăng lượng khí thải nhà kính.

Như vậy, để vận hành mạng lưới khổng lồ các server có nghĩa là những trung tâm dữ liệu này đang cần rất nhiều năng lượng và đồng thời chúng cũng tạo ra khối lượng khí thải nóng khổng lồ. Theo US Census, 75% dân số Mỹ có kết nối internet, trong khi đó theo Pew Research một nửa số người trưởng thành ở Mỹ sử dụng điện thoại di động của họ để lên mạng. Trong hi đó Trung Quốc có 200 triệu người dùng internet mới trong năm 2015 trong khi 1.5% đến 3% năng lượng sản xuất ra được sử dụng để cấp điện cho mạng internet.

“Đơn cử như mỗi chiếc điện thoại smartphone, tablet, laptop chúng ta đang sử dụng, cũng đang phát thải khí thải nhà kính ra môi trường” - GS. Dominique nhấn mạnh.

“Công nghệ phát triển giúp chúng ta cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng tuy nhiên, nhưng mặt trái của công nghệ cũng tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ gây ô nhiễm môi trường” – GS. Dominique nói.

Trước xu hướng ô nhiễm môi trường từ các thiết bị công nghệ, nhiều hãng lớn công nghệ đã đưa ra giải pháp thân thiện hơn với môi trường khi xây dựng các khu máy chủ, server. 

Ví dụ Microsoft cố gắng nỗ lực cắt giảm khối lượng khí nóng bằng cách tiến hành một dự án thí nghiệm vào năm 2015 tên là Natick. Bởi vì 50% dân số toàn cầu sống gần bờ biển, họ sẽ sử dụng máy làm lạnh tận dụng nước biển. Natick bao gồm một trung tâm dữ liệu chìm khép kín lặn sâu dưới biển với mục đích các nhà nghiên cứu có thể kiểm tra liệu việc sử dụng điện toán đám mây ở dưới biển là một công nghệ có thể thực hiện được hay không.

Các ông lớn công nghệ khác như  Apple, Google, Facebook và nhiều công ty khác tuyên bố sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho các trung tâm dữ liệu của mình. Apple và Facebook đã hoàn tất xây dựng trung tâm dữ liệu mới trên nền 100% năng lượng tái tạo. Trong khi đó Google đang ở ba phần tư chặng đường để đạt tới mục tiêu đó.
                                                                                                                                                                                        Nguyễn Long

Nguồn tin: enternews.vn