Thông cáo báo chí Tọa đàm: "Trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh tế số: Hướng tới giáo dục đại học thông minh"

Thứ năm - 20/04/2023 02:46

Tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo trong kinh tế số: Hướng tới giáo dục đại học thông minh" do Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN (IFI), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN (UEB) và trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN (UET) đồng tổ chức sẽ diễn ra vào buổi sáng ngày 21 tháng 4 năm 2023 tại phòng 801 nhà E3, UEB, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.

2

Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng và phát triển nhanh chóng, và có tiềm năng để thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp và đời sống của con người. Trong khi đó, giáo dục đại học cũng đang phải đối mặt với các thách thức và cơ hội mới khi AI ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đòi hỏi sự trang bị đầy đủ về những kỹ năng, kiến thức và hiểu biết mới liên quan tới AI. Tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh tế số: Hướng tới giáo dục đại học thông minh" được tổ chức nhằm đưa ra các ý tưởng và giải pháp để giáo dục đại học thích ứng với xu hướng này và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, gắn với Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong hai năm vừa qua, kinh tế số đóng góp ngày càng quan trọng đối với GDP của Việt Nam, tăng từ mức 11,91% năm 2021 lên mức 14,26% và phấn đấu đến năm 2025 đạt mức 20% theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 cũng đạt khoảng 7,5%.

Tọa đàm là nơi chia sẻ thông tin, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao vai trò của AI trong kinh tế số và cách giáo dục đại học có thể thích ứng với xu hướng này. Tọa đàm nhằm bàn luận về những cơ hội và thách thức mà AI mang lại cho nền kinh tế số, cũng như đặt ra những yêu cầu mới đối với giáo dục đại học và hoạt động nghiên cứu khoa học. Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia tọa đàm đề cập tới việc các khóa học, chương trình đào tạo tại bậc đại học cần khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng của AI, cũng như cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học mới để bắt kịp với những xu hướng thay đổi nhanh chóng, bước tiến vượt bậc trong thị trường việc làm và hoạt động nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo trên thế giới.

Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào giáo dục đã gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi về những lợi ích tiềm năng và hạn chế của công nghệ này. Các lợi ích có thể bao gồm trải nghiệm học tập được cá nhân hóa và hiệu quả hơn cũng như tăng khả năng tiếp cận thông tin. Các thách thức cũng có thể tập trung vào các mối quan tâm về quyền riêng tư, các cân nhắc về đạo đức và khả năng các hệ thống AI có thể bảo vệ các thành kiến hiện có. Trước những vấn đề phức tạp xung quanh AI trong giáo dục và khoa học, tọa đàm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân nhắc những lợi ích và thách thức của công nghệ AI để đưa ra quyết định sáng suốt. Các trường đại học, cơ sở giáo dục đào tạo nên xem xét việc kết hợp học máy, phân tích dữ liệu, mô hình ngôn ngữ lớn, trí tuệ nhân tạo và đạo đức kỹ thuật số vào các khóa học, chương trình đào tạo để trang bị cho sinh viên, người học những công cụ hữu ích nhất để tự tin bước vào nền kinh tế số và xã hội số.

Bên cạnh đó, tọa đàm sẽ thảo luận vai trò quan trọng của việc tích hợp công nghệ cao nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng trong giáo dục đại học. Sự kết hợp giữa công nghệ, trí tuệ nhân tạo và các vấn đề khoa học, học thuật thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính tạo ra những tiềm năng rất lớn cho sinh viên, người học để có thể tiếp cận những cơ hội mới trong quá trình phát triển nghề nghiệp, cho các nhà nghiên cứu trong việc sáng tạo và hợp tác học thuật, hướng tới sản phẩm công bố quốc tế có thứ hạng cao trên thế giới. Đồng thời, ứng dụng AI có thể giúp các nhà quản lý giáo dục phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định thông minh, hiệu quả hơn trong việc quản lý các hoạt động giáo dục. Ví dụ, họ có thể sử dụng công nghệ AI để phân tích dữ liệu về kết quả học tập của sinh viên và đưa ra các chương trình giảng dạy phù hợp, cá thể hóa đối với từng sinh viên. Họ cũng có thể ứng dụng công nghệ AI để dự đoán nhu cầu tuyển sinh trong tương lai và đưa ra các kế hoạch phát triển giáo dục. 

Các nội dung tham luận và thảo luận có hàm lượng chuyên môn cao, chương trình diễn ra với 3 bài tham luận và phiên thảo luận bàn tròn đan xen giữa chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam thuộc Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Công nghệ và Khoa Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

  • Bài tham luận 1 về “Phát triển ứng dụng dựa vào mô hình ngôn ngữ lớn” do TS. Nguyễn Văn Vinh – Chuyên gia về Dịch máy Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN trình bày.
  • Bài tham luận 2 về “Ứng dụng AI trong nghiên cứu và đào tạo kinh tế” do NCS. Nguyễn Tiến Chương – Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trình bày.
  • Bài tham luận 3 về “AI, Machine Learning, dữ liệu phi cấu trúc và ứng dụng trong nghiên cứu lịch sử và lịch sử kinh tế” do ThS. Hồ Bảo Lâm – Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trình bày.

Thông tin về Tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh tế số: Hướng tới giáo dục đại học thông minh"

  • Thời gian: 08:00 -  11:30 Thứ Sáu, ngày 21/4/2023. 
  • Địa điểm: Hội trường 801, Nhà E4, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  • Hình thức: Hybrid (trực tiếp và trực tuyến)
  • Chương trình tọa đàm tại đây

Thông tin liên hệ:

KHOA QUỐC TẾ PHÁP NGỮ, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Tầng 1, nhà E5, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0886 7777 14 (Ms. Huỳnh Như)             Mail: thnhu@vnu.edu.vn       


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU
global fanpage