Chia sẻ của nhà vô địch cuộc thi "Phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc 2019"

Thứ sáu - 29/05/2020 16:00
Chia sẻ của nhà vô địch cuộc thi "Phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc 2019"

Trước đây, nói đến làm phim, người ta nghĩ ngay đến những nhà làm phim chuyên nghiệp cùng thiết bị chuyên dụng nhưng ở cuộc thi Phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc của Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI), suy nghĩ đó hoàn toàn thay đổi. Với chiếc điện thoại, sáng tạo trong nghệ thuật thứ 7 trở nên dễ dàng, gần như trong tầm tay mọi người.

Năm 2019, phim “Trôi” của tôi may mắn đoạt giải Nhất, cuộc thi Phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc 2019 do IFI tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Đáng giá hơn là giải thưởng của IFI đã mang chúng tôi đến Liên hoan phim Courrant 3D Angoulême (CH Pháp). “Trôi” được tham dự, trình chiếu trong rạp ở Pháp, được đề cử và cuối cùng giành luôn giải Grand Prix cho thể loại phim định dạng dọc. Chính chúng tôi đến giờ vẫn còn ngỡ ngàng khi nhớ lại hành trình thú vị của mình và xin phép chia sẻ cùng mọi người.

Sự sáng tạo trong tầm tay miễn có cốt truyện hay

Cuộc thi Phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc bằng điện thoại năm 2019 của IFI đến với tôi thật tình cờ. Một buổi sáng lướt mạng rồi đọc được thông tin về cuộc thi do đồng nghiệp chia sẻ. Tôi đã chú ý tới thể lệ “làm phim bằng điện thoại”, một phương tiện thông dụng hằng ngày. Điều đó cũng có nghĩa cơ hội được nới rất rộng và “cào bằng” cho mọi người. Gần như ai cũng có thể tham gia thi miễn yêu thích làm phim và trong tay có chiếc điện thoại thông minh.

Với cá nhân tôi là một phóng viên của báo Thanh Niên, việc sử dụng điện thoại để chụp ảnh, quay clip đã quá quen thuộc. Không chỉ dùng điện thoại chụp ảnh, quay clip làm tin truyền hình thậm chí còn quay những phóng sự dài hơn 10 phút. Tôi cũng có chút lợi thế là nhiều năm làm báo, đi khắp vùng đồng bằng sông nước miền Tây, đã gặp rất nhiều câu chuyện, những con người thật mà đẹp như trong phim. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự yêu thích. Tôi đã từng mơ theo đuổi điện ảnh từ hồi còn học cấp 3 với một chút năng khiếu viết kịch cho lớp diễn, lần nào cũng có giải. Số phận đưa đẩy, tôi vào Nam làm báo và chẳng còn nghĩ đến điện ảnh. Cho đến khi tiếp cận được thông tin về cuộc thi phim ngắn màn ảnh dọc bằng điện thoại của IFI. Quyết định thử sức, tôi nghĩ đến những câu chuyện xung quanh mình, tự hỏi những gì có thể trở thành “đặc sản” cho phim ngắn? Với tôi đây là yếu tố quan trọng nhất vì điện thoại thì ai chẳng như ai. Lúc đó, xóm bè lụp xụp ẩn sau khu chợ nổi dập dìu khách du lịch mỗi sáng là một gợi ý độc đáo cho tôi.

resized anh 5 img 6476

Ê kíp của chúng tôi cùng hai nhân vật chính của “Trôi” là vợ chồng ông Lý Hùng - Kim Chưởng

Có lẽ từng ngóc ngách ở khu chợ với những nhà trên sàn cọc, những bè nổi cũ rích không lối đi, dây điện câu đuôi như mạng nhện cùng những phận đời thương hồ đang đứng trước nhiều biến động sẽ mang đến cảm xúc cho mọi người. Kịch bản hình thành, tôi rủ thêm Võ Huy Thăng, một người em khi đó chuẩn bị nhập học tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM hệ vừa làm vừa học cùng tham gia. Thăng có khiếu chụp ảnh, quay phim từ nhỏ nên tư duy hình ảnh khá nhạy, nắm bắt rất nhanh ý tưởng câu chuyện của tôi chia sẻ. Hai anh em hoàn thiện kịch bản và từng cảnh quay, từng chi tiết và bắt tay ngay vào công việc. Một điều thuận lợi cho chúng tôi là nhân vật sống ngay tại chợ nổi và là người quen từ trước. Những vấn đề tôi muốn nói về họ đều rất thật. Ông Lý Hùng vốn là một nghệ sĩ đờn ca tài tử, vợ ông bà Kim Chưởng bán nước giải khát trên ghe. Mỗi khi ôm cây đàn phím lõm, Lý Hùng như nhập cả tâm hồn vào giai điệu vọng cổ. Ngón đàn điêu luyện cùng giọng hát nhấn nhá, luyến láy của ông Hùng bình dị, chân thật, sầu thảm vô cùng. Bà Kim Chưởng thì là một hiện thân tiêu biểu của phụ nữ thương hồ sông nước, cần cù, phóng khoáng, thân thiện mà nghĩa hiệp. Có được sự hợp tác hoàn hảo nên chỉ sau hơn 3 ngày, chúng tôi quay xong. Thêm 2 ngày dựng phim và gửi dự thi đúng vào ngày hạn chót nhận tác phẩm. Tôi vẫn nhớ lần đầu coi phim do chính mình làm, thật khó diễn tả. Thân phận của thương hồ trước bao đổi thay của cuộc sống, bế tắc rồi rơi vào âm điệu buồn, não nề của bài vọng cổ “Người tình trên chiến trận”. Câu hát “Em hãy lo thu xếp để lên đường… Rồi mai mốt đây khi trận chiến điêu tàn, anh sẽ về bên em…”, như gieo rắc vào tâm can chính chúng tôi những suy tư, day dứt.

Trải nghiệm khó quên khi lần đầu tới Pháp

resized anh 4 img 5534

Nhận giải Nhất tại cuộc thi phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc của IFI chụp ảnh lưu niệm
cùng đạo diễn kỳ cựu Đặng Nhật Minh 

Giành giải Nhất cuộc thi Phim ngắn của IFI, chúng tôi được sang dự Liên hoan phim Courrant 3D Angoulême (CH Pháp). Tôi đã đi khá nhiều nhưng với Thăng thì là lần đầu tiên tới phương Tây. Tôi biết, chuyến đi này sẽ là vô giá với Thăng. Hai anh em nói vui với nhau, mình đặt tên phim là “Trôi” và bây giờ chúng ta trôi luôn sang Pháp, trôi sang tới kinh đô của điện ảnh. Thật khó tin khi một nhà làm phim “siêu” nghiệp dư, lần đầu tiên làm phim như tôi giờ có mặt ở liên hoan phim quốc tế. Nhưng cái điện thoại đã làm nên điều vi diệu đó.

resized anh 6 img 7899

Khai mạc Liên hoan Courrant 3D Angoulême

Xem giới thiệu về Liên hoan phim Courrant 3D Angoulême, tôi càng “choáng” khi biết có rất nhiều chuyên gia điện ảnh kỳ cựu góp mặt như bà Christine Gendre, Giám đốc phim ngắn của UniFrance, ông Jacques Curtil, Giám đốc Tổ chức Liên Hoan Phim ngắn Clermont Ferrand; Alexander Stein, Giám đốc Liên Hoan Phim Interfilm Berlin, đạo diễn nhiếp ảnh gia Yves Gellie (Pháp), bà Lê Phương Mai, trường Sân khấu điển ảnh TP.HCM. Đặc biệt là Francois Serre, Giám đốc Liên hoan phim ngắn Courant 3D Angouleme. Ông Francois Serre và bà Lê Phương Mai cũng là hai trong những giám khảo của cuộc thi phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc bằng điện thoại của IFI năm 2019 và năm 2020 này.

resized anh 2 img 8504

Tôi và Thăng nhận giải Grand Prix tại Liên hoan Courrant 3D Angoulême
do Giám đốc liên hoan ông Francois Serre (đứng giữa) trao,
chụp ảnh lưu niệm cùng đạo diễn Yves Gellie

resized anh 3 img 8400

Chụp ảnh cùng giám khảo Lê Phương Mai và ông Minh Hoang,
chuyên gia về công nghệ máy quay phim 3D

Ở Pháp, tôi đã được gặp gỡ trao đổi với rất nhiều nhà làm phim lớn trên thế giới, trong đó có đạo diễn nhiếp ảnh gia Yves Gellie, người đoạt giải phim truyện hay nhất với phim ngắn “Năm của Robot”. Yves Gellie tận tình chia sẻ với chúng tôi rất nhiều thông tin quý giá về làm phim, về các liên hoan trên thế giới, ông còn mời chúng tôi về nhà ông tại Paris tá túc nếu có dịp trở lại Pháp. Rồi một chuyên gia về công nghệ máy quay phim 3D, người Pháp gốc Việt, ông Minh Hoang cũng vỗ vai chúng tôi bảo, sau này có muốn làm phim lớn hơn, ông sẽ cho mượn máy quay...

Ở Liên hoan phim ngắn Courant 3D Angouleme, chúng tôi cũng có dịp mở mang hiểu biết rất nhiều. Kể về liên hoan nay, ông Francois Serre cho biết, liên hoan phim được khởi xướng cách đây 8 năm. Khác với các liên hoan phim khác như Cannes, Berlin, Sundance…  Liên hoan Courant 3D tập trung vào công nghệ mới và các thể loại ứng dụng công nghệ mới vào điện ảnh. Liên hoan cũng hướng đến mục đích đào tạo những nhà làm phim chuyên nghiệp mới trên thế giới. Bên cạnh đó là giới thiệu các sản phẩm mới liên quan đến ứng dụng công nghệ vào điện ảnh. Courant 3D Film Festival không phải là nơi để tôn vinh những ngôi sao điện ảnh mà là dịp quy tụ những nhà làm phim chuyên nghiệp, những chuyên gia đến để trao đổi kinh nghiệm, văn hoá. Họ là những người thực sự mong muốn đem sản phẩm của mình cùng góp vào liên hoan phim. Năm 2019, hơn 50 phim ngắn đến từ rất nhiều nước khác nhau như Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Ba Lan, Mỹ, Việt Nam đã được trình chiếu tại liên hoan với các thể loại như phim định dạng dọc, phim trí tuệ nhân tạo, phim thực tế ảo, thực tế tăng cường. Đó là lần đầu tiên trong đời chúng tôi được sống trong một không gian điện ảnh, công nghệ hiện đại như thế.

Những ấn tượng ở thủ đô truyện tranh của Pháp

resized anh 10 img 5786

Cách thủ đô Paris khoảng 450km về phía Nam,
Angouleme là một thành phố nhỏ yên bình bên dòng sông Charente.

Ở Angouleme, trên từng con phố đều có thể bắt gặp những dấu ấn của truyện tranh và phim hoạt hình. Đó có thể là những bức tranh tường khổng lồ, bảng chỉ đường được vẽ như bong bóng suy nghĩ trong truyện tranh, thậm chí tủ điện trên vỉa hè cũng được trang trí bằng hình hoạ đầy màu sắc.

resized anh 14

resized anh 15 img 7837

resized anh 16 img 7830

Những góc phố ở Angouleme thành phố được mệnh danh là
thủ đô truyện tranh, phim hoạt hình của Pháp 

Hôm đầu tiên đặt chân tới Angouleme, chúng tôi cùng Nhà văn Ngô Tự Lập được ông Francois Serre đưa đi một vòng thành phố trước khi về chỗ nghỉ là khách sạn Appart’city. Nằm ngay góc ngã ba gữa đại lộ Cognac và đường Bordeaux, trông bề ngoài Appart’city giống công xưởng với bức tường mặt tiền lọ lem. Nhưng trái với vẻ ngoài, bên trong Appart’city là một không gian cổ kính, kiến trúc phục hưng mái vòm hoà cùng ánh đèn vàng lan toả ấm cúng. Ông Francois Serre bảo thực ra Appart’city vốn là xưởng sản xuất của nhà máy giấy. Sau này khi thành phố cải cách, nhà máy buộc phải dời xa ra khỏi thành thị và một phần nơi này được cải tiến thành khách sạn. Ngay phía sau Appart City, một phần công xưởng nhà máy giấy giờ là Trung tâm truyện tranh và hình ảnh CIBDI (nơi vừa đào tạo vẽ, làm phim công nghệ vừa có các rạp chiếu phim, triển lãm truyện tranh…). Điều thú vị là cả khách sạn Appart’city và trung tâm CIBDI đều giữ lại bức tường phía ngoài của nhà máy giấy xưa kia như một phần chứng tích lịch sử. Chỉ có kết cấu bên trong được thay đổi để phù hợp với mục đích sử dụng. Theo ông Francois Serre, sự chuyển đổi này là để thực hiện một trong những bước đầu tiên trong chính sách phát triển hình ảnh Angoulême từ công nghiệp sang hướng nghệ thuật.

resized anh 7 img 5206

resized anh 8 img 7732

Khách sạn Appart City, một phần công xưởng nhà máy giấy,
phía sau khách sạn giờ là Trung tâm truyện tranh và hình ảnh CIBDI

resized anh 9 img 6397

Triển lãm tranh thực tế ảo tăng cường tại Liên hoan Courrant 3D Angoulême

Từ Trung tâm truyện tranh và hình ảnh quốc tế CIBDI tản bộ qua cây cầu gỗ cũ kỹ, bắc qua sông Charente xanh biếc là Bảo tàng truyện tranh Angouleme. Nơi đây cũng từng là một nhà máy sản xuất rượu lớn của Pháp. Bảo tàng này trưng bày khoảng 8.000 tranh vẽ và bản khắc gốc, nhiều truyện tranh Pháp và nước ngoài cùng một số hiện vật hiếm từ nửa đầu thế kỷ 19 đến ngày nay. Ở Angouleme ngày nay, trong tổng số khoảng 40.000 người sinh sống ở nội ô thành phố thì có đến hơn 3.000 người làm trong lĩnh vực điện ảnh, nhiều nhất là phim hoạt hình. Thế nên truyện tranh và phim ảnh chính là lẽ sống, là đặc trưng của Angouleme. Thật là thú vị, đáng nhớ khi chúng tôi đã có những ngày sống ở thành phố yên bình, tuyệt với ấy.

resized anh 11 img 8642

resized anh 12 img 9679

resized anh 13 img 8736

Sau Liên hoan Courrant 3D chúng tôi lần đầu tiên có cơ hội thăm Paris

Những chia sẻ thú vị về điện ảnh

Những ngày ở Pháp tôi cũng nghe được rất nhiều ý kiến hay về điện ảnh Việt Nam. Một trong những người nhiệt tình nhất chính là Giám đốc Liên hoan phim ngắn Courant 3D Angouleme, Francois Serre. Ông bảo rằng, tương lai của điện ảnh công nghệ mới tại Việt Nam là rất sáng lạng vì Việt Nam là nước đang phát triển rất nhanh và là giao điểm của các nền văn hoá khác nhau như Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu. Giới trẻ ở Việt Nam rất năng động rất thích ứng dụng công nghệ mới chẳng hạn như trò chơi điện tử, sử dụng điện thoại thông minh... đó là điều kiện để điện ảnh mới phát triển. Giám đốc Liên hoan phim ngắn Courant 3D Angouleme cũng thẳng thắn chia sẻ, một điều lưu ý là những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao không bao giờ có biên giới. Việt Nam là giao điểm của các nền văn hoá phương Đông, phương Tây nhưng phim Việt Nam lại rất ít được chiếu tại nước ngoài, và người ta chưa biết nhiều về phim Việt Nam. Đó cũng là lý do ông Francois Serre và trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM đã xây dựng một festival phim mới ở Việt Nam với tên gọi Liên hoan điện ảnh mới quốc tế Sài Gòn lần đầu tổ chức vào cuối năm 2019. Mục đích của liên hoan là xây dựng quảng bá được diện mạo, đặc trưng của văn hoá Việt Nam ra nước ngoài qua điện ảnh.

resized anh 1 img 7941

Tôi (ngoài cùng bên phải) cùng Võ Huy Thăng (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh kỷ niệm
cùng nhà văn Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ; bà Lê Phương Mai,
giám khảo tại liên hoan Courrant 3D Angoulême; ông Alexander Stein, Giám đốc Liên Hoan Phim Interfilm Berlin

Cũng chia sẻ với tôi về điện ảnh công nghệ ở Việt Nam, Nhà văn Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện quốc tế Pháp ngữ (IFI) cho rằng, những liên hoan như Courrant 3D Angoulême hay cuộc thi Phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc bằng điện thoại của IFI là cơ hội dành cho những người yêu thích điện ảnh, những người có khả năng sáng tạo. Nó sẽ mở ra một trào lưu điện ảnh mới khi ở thời đại công nghệ này, với một chiếc điện thoại thông minh, mọi người đều có thể tham gia làm phim. Qua những thước phim tự làm, họ có thể đưa ra những thông điệp cá nhân, những quan niệm của chính mình. Đó cũng là cách dân chủ hoá đời sống nghệ thuật, đời sống tinh thần và nâng cao dân trí trong điện ảnh nói chung. Theo ông Lập, khi mọi người đều có thể tham gia làm điện ảnh, có trải nghiệm hình ảnh, cách kể chuyện, trải nghiệm về âm thanh thì dần dần công chúng cũng được tôi luyện về thẩm mỹ. Từ đó điện ảnh có thể sản sinh ra những tác phẩm đỉnh cao. Thực tế hiện nay, các nhà làm phim vẫn hay có tâm lý vọng ngoại, chạy theo cách làm của nước ngoài mà quên rằng “kho báu trong sân nhà mình”. Có rất nhiều điều hay, điều lạ xung quanh chúng ta có thể khai thác. Cũng với đó là sự chủ động giới thiệu, phải có con đường để giới thiệu, không ai tự đến tìm hiểu chúng ta. Thay vào đó, phải làm sao để có những sản phẩm hay, hay rồi phải dễ tiếp cận, đưa đến các liên hoan phim để vươn xa hơn.

Vì lẽ đó, IFI nghĩ đến một chức năng đó là lựa chọn tác phẩm mới mẻ của Việt Nam để giới thiệu với thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực rất mới là ứng dụng công nghệ vào điện ảnh.

Tác giả bài viết: Đình Tuyển

Tin bài liên quan:

http://ifi.edu.vn/vi/news/Tin-tuc-khac/Sang-tao-voi-nghe-thuat-lam-phim-ky-thuat-so-man-anh-doc-975.html

http://ifi.edu.vn/vi/news/hoat-dong-VHXH/Cuoc-thi-Phim-ngan-ky-thuat-so-man-anh-doc-2020-979.html


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU
global fanpage