Consulting Project 2024: Giải pháp về hệ thống quản lý khách hàng cho doanh nghiệp từ học viên Thạc sĩ Fintech tại IFI

Thứ sáu - 26/01/2024 08:47

Ngày 20/01/2024, Chương trình Thạc sĩ Ngân hàng, Tài chính và Công nghệ tài chính (Fintech) tại IFI đã tổ chức buổi Consulting Project cho học viên Khóa 3 với chủ đề: Thiết kế hệ thống quản lý khách hàng cho Công ty Cổ phần Sơn Kim Retail (SonKim Retail). Là một học phần quan trọng trong chương trình đào tạo Thạc sĩ Fintech của IFI, Consulting Project không chỉ là một hoạt động thực hành mà còn là không gian cho học viên đưa ra những giải pháp sáng tạo cho thách thức thực tế của doanh nghiệp.

Hội đồng đánh giá và các học viên Khóa 3, chương trình Thạc sĩ Fintech chụp ảnh lưu niệm

Consulting Project không chỉ là một điểm nổi bật mà còn là một phần quan trọng của chương trình Thạc sĩ Fintech tại IFI. Đây là năm thứ ba liên tiếp IFI tổ chức sự kiện này. Buổi thuyết trình không chỉ tạo cơ hội cho học viên tự do đề xuất các giải pháp cho những thách thức trong lĩnh vực Fintech, mà còn tạo điều kiện cho hợp tác trực tiếp giữa nhà trường và các doanh nghiệp lớn. Đại diện từ các doanh nghiệp tham gia không chỉ làm nhiệm vụ chấm bài, mà còn chia sẻ những ý kiến quý báu với các học viên, giúp họ trở thành những chuyên gia tương lai cho ngành công nghiệp Fintech.

Cụ thể, các học viên được giao bài toán về thiết kế hệ thống quản lý khách hàng cho SonKim Retail, một thương hiệu của Tập đoàn Sơn Kim (Sơn Kim Group), hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, tích hợp các sản phẩm, dịch vụ hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. SonKim Retail đang sở hữu những thương hiệu như chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25, nền tảng thương mại điện tử GS Shop, thời trang Vera, Jockey; nhà hàng Watami, Mama Sens, Jardin Des Sens; hay dịch vụ hậu cần Logis DC Park,.... Đề bài năm nay được đưa ra từ chuyên gia Trần Viết Huân, Giám đốc Công nghệ (CTO) của Sơn Kim Group. Ông Huân trực tiếp tham gia với vai trò là người cố vấn và là thành viên của Hội đồng đánh giá trong buổi thuyết trình giải pháp của các học viên Khóa 3.

Với môn học này, học viên sẽ làm việc theo nhóm (5-6 người). Các nhóm sẽ nghiên cứu và lên nội dung thuyết trình theo các phần gồm: (1) Đánh giá điểm mạnh/yếu của chương trình quản lý khách hàng dựa trên nền tảng blockchain và tích điểm liên kết đa token; (2) Đề xuất một nền tảng mã hoá kỹ thuật số (Tokenization) để tạo ra token thương hiệu của doanh nghiệp; (3) Đề xuất một ví điện tử đơn giản để quản lý các chương trình thưởng với chức năng cho vay token và đổi token; (4) Đề xuất cổng API tích hợp với hệ thống bán hàng của doanh nghiệp (POS, CRM); (5) Đề xuất một nền tảng có chức năng trao đổi và giao dịch token thương hiệu của doanh nghiệp mọi lúc mọi nơi. Các nhóm có 02 tuần để nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp Fintech với sự hỗ trợ và tư vấn từ các giáo sư, tiến sĩ của IFI và Trường Quản lý Normandie (EM Normandie, Pháp).

Ông Trần Viết Huân, CTO Sơn Kim Group trao đổi với các học viên tại buổi Consulting Project

Tại buổi thuyết trình, về phía Hội đồng đánh giá có sự tham gia của chuyên gia Trần Viết Huân, các giảng viên từ Trường Quản lý Normandie (EM Normandie, Pháp) và phía IFI gồm GS. Paul Griffiths, TS. Hồ Tường Vinh và TS. Đào Tùng.

Về phía các học viên, phần lớn đều nhận định đề bài năm nay mang tính thực tiễn cao khi áp dụng được kiến thức về công nghệ blockchain vào hệ thống quản lý tích điểm khách hàng. Chị Lưu Bảo Trang, học viên Khóa 3, Thạc sĩ Fintech chia sẻ: “Nhóm của mình đã nhận được sự hướng dẫn rất chi tiết từ các thầy. Nội bộ nhóm cũng có sự phối hợp, làm việc nghiêm túc để cùng tháo gỡ bài toán này. Cá nhân mình đang làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, mình hoàn toàn nắm rõ tầm quan trọng của hệ thống quản lý khách hàng, cũng như thấu hiểu những pain points (điểm đau), khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Vì vậy, thứ mình học được sau bài tập này không chỉ dừng lại ở việc thuyết trình, mà còn có thể ứng dụng nó để phát triển nền tảng quản lý khách hàng cho một tổ chức tài chính nào đó trong tương lai”. 

Về phần tương tác với các giảng viên, anh Vũ Trọng Bằng, hiện đang công tác tại NTQ Solutions cho biết “Các thầy đều là những người có kinh nghiệm thực tế và đặc biệt là luôn cập nhật những kiến thức mới. Chính vì vậy, nội dung mà các thầy truyền tải đều rất dễ tiếp thu. Ngoài ra, bài tập trên lớp cũng rất hay, ví dụ như phân tích, giải quyết các case (trường hợp) từ thực tế, từ đó đối chiếu với lý thuyết đã học. Điều này giúp mình nắm được bản chất của vấn đề hơn là chỉ học lý thuyết đơn thuần”.

Nhóm của mình thì không ai có background (nền tảng học vấn) về công nghệ nên khi được giao bài tập này, nên lúc đầu ai trong nhóm cũng rất hoang mang. Tuy nhiên, sau khi được các giáo sư giải thích kỹ hơn trong các buổi Q&A thì nhóm mình mới dần biết cách triển khai. Càng về sau càng nghiên cứu thì mình càng thấy hay vì đây đều là những kiến thức mới và hoàn toàn có thể áp dụng vào trong công việc của mình, đồng thời nó cho mình cơ hội ngồi lại và có một cái nhìn tổng thể về các bước trong quy trình này sẽ diễn ra như thế nào trong đời sống hằng ngày”, chị Vũ Thị Thuỳ Linh cảm nhận sau buổi thuyết trình.

Các học viên lắng nghe phần nhận xét từ GS. Paul Griffiths và ông Trần Viết Huân sau buổi thuyết trình

Kết thúc buổi Consulting Project, ông Trần Viết Huân đã đưa ra nhận xét cho từng nhóm. Ông Huân cùng hội đồng đánh giá nhận định, các nhóm đều có phần thuyết trình tốt và đưa ra những sáng kiến ấn tượng, trong đó Nhóm 4 là nhóm có giải pháp mang tính khả thi và sáng tạo vượt trội nhất. Vì vậy, Nhóm 4 là nhóm đã dành chiến thắng trong phần thử thách này. 

Cùng xem lại một số hình ảnh tại buổi Consulting Project dưới đây:

Nhóm 1

Nhóm 2

Nhóm 3

Nhóm 4

 

 


 
 Từ khóa: IFI, FINTECH, VNU, Consulting Fintech
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU
global fanpage